Một nữ bác sĩ trẻ tự tử do bị bắt nạt cho thấy phần nổi của tảng băng chìm trong đào tạo y khoa tại Indonesia.
Ngày 12/8, Indonesia ghi nhận một bác sĩ tử vong tại một bệnh viện ở Trung Java. Nạn nhân là Aulia Risma Lestari, đang theo học chương trình chuyên khoa gây mê tại Khoa Y thuộc Đại học Diponegoro ở Semarang. Truyền thông địa phương đưa tin cô đã tự tiêm thuốc gây mê Roculax liều cao và qua đời. Đây là loại thuốc sử dụng khi đặt nội khí quản, giúp giãn cơ xương khi phẫu thuật.
Trong nhật ký, Lestari viết cô không thể chịu đựng được tình cảnh hiện tại. Sau khi cuộc trò chuyện trên WhatsApp giữa Aulia và một số sinh viên năm cuối chương trình nội trú tại Bệnh viện Kardinah bị rò rỉ, nhiều người nghi ngờ cô tự tử do bị bắt nạt thời gian dài. Đến hôm 16/8, ông Budi Gunadi Sadikin – Bộ trưởng Y tế Indonesia xác nhận điều này. Theo ông, đây là tình trạng phổ biến tại nhiều cơ sở đào tạo chuyên khoa của đất nước.
Theo tờ Jakarta Post, ông Budi hứa sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm khắc để chấm dứt vấn đề này. Dựa trên các cuộc khảo sát Bộ Y tế thực hiện, nhiều sinh viên y khoa trải qua các chương trình nội trú có xu hướng tự tử do căng thẳng, trầm cảm vì bị bắt nạt.
Ông Budi trích dẫn nghiên cứu cho thấy 22,4% trong số hơn 12.000 sinh viên y nước này có dấu hiệu trầm cảm. Bộ trưởng Y tế kêu gọi tất cả sinh viên cao cấp, giảng viên ngành y “chấm dứt văn hóa độc hại kéo dài”.
Đây không phải lần đầu tiên ông Budi đề cập đến chủ đề này. Tháng 7 năm ngoái, Bộ Y tế cho biết văn hóa bắt nạt trong các cơ sở giáo dục đã kéo dài hàng thập kỷ.
Truyền thông địa phương từng đưa tin về sự việc tương tự xảy ra trong chuyên khoa phẫu thuật thần kinh ở Đại học Padjadjaran của Bandung. Một số bác sĩ đàn anh đã bị cáo buộc lạm dụng thể xác, có lời nói xúc phạm đến hai thực tập sinh. Họ ép đàn em của mình trả tiền thức ăn, đồ uống, phí đỗ xe và tiền thuê nhà. Trường đã đình chỉ đề tài nghiên cứu của hai bác sĩ có liên quan đến vụ bắt nạt, gửi thư cảnh cáo đến trưởng khoa và người đứng đầu chương trình. Trường cũng xử phạt 7 sinh viên khác, bị cáo buộc ở mức độ nhẹ đến trung bình.
Năm ngoái, Bộ Y tế Indonesia ban hành hướng dẫn nhằm hạn chế các sự việc như trên xảy ra trong môi trường giáo dục y tế. Bộ cũng khởi động một đường dây nóng để nạn nhân có thể liên hệ khi cần, nhưng điều này dường như không thể ngăn chặn các vụ bắt nạt. Theo báo cáo của Komas công bố hôm 17/8, kể từ năm 2023, Indonesia ghi nhận khoảng 1.200 báo cáo về hành vi lạm dụng hoặc bắt nạt trong các cơ sở đào tạo y tế.
Chủ tịch Hiệp hội bác sĩ Indonesia (IDI) Mahesa Paranadipa nhận định tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cả sự tương tác của bác sĩ với bệnh nhân sau khi họ tốt nghiệp.
Thục Linh (Theo CNA)
Tham khảo từ https://vnexpress.net/cai-chet-cua-nu-bac-si-tiet-lo-mat-toi-trong-dao-tao-y-te-tai-indonesia-4784659.html
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://phanmemhoadon.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!