TP HCMBé trai 29 tháng tuổi chơi cạnh cửa kéo, vô tình làm thanh ray cửa sắt rơi đâm vào đỉnh đầu, chảy nhiều máu.
Ngày 2/9, Ths.BS Nguyễn Ngọc Pi Doanh, Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh nhi được bệnh viện từ Ninh Thuận chuyển đến, các bác sĩ mổ cấp cứu ghi nhận thanh sắt đâm thủng xương sọ bé, rách màng não, đâm sâu vào nhu mô não 2 cm vùng đỉnh trái, với nhiều mô tóc, mảnh vỡ xương sọ bên trong.
Bệnh nhi được phẫu thuật lấy dị vật, máu tụ, khâu vá lại màng não bị rách. Cuộc mổ kéo dài hơn hai giờ, sau đó sức khỏe bệnh nhi hồi phục tốt.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết vết thương sọ não là một loại chấn thương đầu nghiêm trọng liên quan đến tổn thương hộp sọ và não. Nó có thể bao gồm gãy xương sọ, tổn thương mạch máu hoặc tổn thương trực tiếp đến mô não.
“Các trường hợp vết thương sọ não có thể gây các biến chứng như viêm màng não, chảy máu não và có thể để lại di chứng tùy theo mức độ, vị trí của tổn thương”, bác sĩ Thạch phân tích.
Chấn thương sọ não có thể để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Có những trẻ gặp vấn đề về nhận thức như khó tập trung, giảm trí nhớ. Có trường hợp bị các vấn đề về vận động như liệt nửa người, co giật, thậm chí là thay đổi về tâm lý, hành vi. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, chấn thương sọ não còn có thể dẫn đến tử vong.
BS.CK1 Phan Nguyễn Ngọc Tú, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết 7 tháng đầu năm, nơi này tiếp nhận 15 trường hợp vết thương sọ não. Đa số các trường hợp xảy ra đều do sự bất cẩn của người nhà.
Tháng trước, bệnh viện điều trị bệnh nhi từ Campuchia, bị anh trai vô tình bắn súng bi tự chế xuyên từ trán vào sâu bên trong nhu mô não, cạnh các dây thần kinh và mạch máu lớn. May mắn, sau khi bác sĩ mổ lấy viên đạn ra ngoài kịp thời, bé hồi phục tốt và không có di chứng.
Bác sĩ khuyến cáo để phòng tránh tai nạn thương tích, nên tạo môi trường an toàn cho trẻ, bao gồm cả trong nhà và ngoài trời. Giám sát trẻ chặt chẽ, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ cao như khu vực gần nước, cầu thang, bếp và đường phố. Cẩn thận với các vật sắc nhọn, vật có tính sát thương cao trong tầm với của trẻ. Khi tham gia giao thông, nên có nón bảo hiểm cho trẻ để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra. Dạy trẻ về các kỹ năng an toàn cơ bản, như cách băng qua đường, cách sử dụng các vật dụng trong nhà một cách an toàn.
Sau khi trẻ bị chấn thương đầu, dù nhẹ hay nặng, cần theo dõi sát sao tại nhà. Đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức nếu nhận thấy các dấu hiệu như mất ý thức, đau đầu, co giật, nôn mửa, yếu liệt, khó nói hoặc khó hiểu lời nói, thay đổi hành vi.
Nếu có chảy máu, hãy dùng gạc sạch hoặc vải mềm ấn nhẹ lên vết thương để cầm máu. Tránh di chuyển đầu và cổ của trẻ, đặc biệt nếu nghi ngờ có tổn thương cột sống. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy đặt trẻ nằm nghiêng để tránh tắc nghẽn đường thở. Gọi ngay cho dịch vụ cấp cứu hoặc đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất.
Lê Phương
Tham khảo từ https://vnexpress.net/thanh-ray-cua-sat-roi-vao-dau-be-trai-lam-thung-so-4788334.html
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://phanmemhoadon.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!