Hà NộiMong có con, anh Trường tìm cách thuyết phục vợ nhưng chỉ cần nhắc đến việc mang thai là chị Xuân lại bức bối, trốn tránh.
Chị Xuân, 30 tuổi và anh Trường, 33 tuổi, yêu nhau gần 7 năm. Chị từng tuyên bố sẽ sống “không con cái”, dành thời gian chăm sóc bố mẹ, gia đình. Còn anh Trường nghĩ sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn gái sau khi kết hôn nên vẫn quyết tâm cưới. Sau hai năm, chị liên tục né tránh, không muốn sinh con khiến không khí gia đình căng thẳng. Mỗi lần chồng mua thuốc tẩm bổ, chị đều trách tốn tiền, dứt khoát không sử dụng.
Người phụ nữ tâm sự sợ sinh con bởi ám ảnh từ hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn do gánh nặng nuôi 5 đứa con. Hai chị gái của Xuân đều bị trầm cảm sau sinh, một người có ý định tự sát, phải nhập viện tâm thần, càng khiến chị hoảng loạn khi nhắc đến việc mang thai.
Tìm hiểu trên mạng, chị thấy tỷ lệ sẩy thai, thai dị tật ngày càng tăng. Suy nghĩ “nếu chẳng may rủi ro rơi vào mình” cứ đeo bám khiến Xuân càng lo lắng, bồn chồn, đi khám bác sĩ khuyến cáo dấu hiệu của bệnh rối loạn lo âu.
Cũng gác lại kế hoạch sinh con, chị Lan, 36 tuổi, nói luôn bị ám ảnh về lần chuyển dạ đầu tiên. Chị đau bụng từ 2h sáng đến 22h tối nhưng không thể sinh thường, buộc phải gây tê tủy sống để mổ.
“Vừa chịu nỗi đau chuyển dạ, vừa gây tê đau buốt lưng, tôi tưởng mình không thể vượt cạn”, chị nói.
Không những vậy, kết quả chẩn đoán sau sinh cho thấy bé bị tăng tuyến thượng thận bẩm sinh, phải điều trị, khiến người phụ nữ hoảng loạn, rơi vào trầm cảm sau sinh, thường xuyên mất ngủ, buồn chán, cáu giận. Hiện bé đầu đã được 10 tuổi, sức khỏe bình thường, nhưng chị Lan vẫn sợ hãi khi nghĩ đến việc mang thai, dù gia đình hai bên thúc giục chị phải sinh con trai nối dõi.
Chứng sợ sinh con (còn gọi Tokophobia) là thuật ngữ chỉ nỗi sợ hãi khi mang thai và sinh con ở phụ nữ. Theo Very Well Family, đây không phải bệnh mà là rối loạn tâm lý do sợ hãi quá mức khi mang thai và khi sinh con, bao gồm các nỗi sợ như sợ mang thai dị tật, sợ thai chết lưu, sợ đau, sợ bé bị chấn thương, người mẹ rách đường sinh dục, nguy hiểm tính mạng. Một báo cáo về hội chứng sợ sinh con được đăng trên Tạp chí Tâm thần học Mỹ ước tính có tới 13% phụ nữ cảm thấy ám ảnh và sợ hãi khi sinh con.
“Thực tế, hầu hết phụ nữ trải qua nỗi sợ hãi liên quan đến sinh con, đây là tâm lý rất bình thường, vì sinh con là một quá trình phức tạp, nhiều rủi ro”, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết.
Hội chứng này có thể gặp ở người chưa sinh con nhưng là nạn nhân của một trường hợp rủi ro trong y tế nào đó hoặc có nhận thức về các rủi ro và biến chứng khi sinh… Nhóm khác từng sinh con nhưng quá trình thai nghén, sinh nở đau đớn, khó khăn hoặc phức tạp. Những chị em đã từng bị sẩy thai, thai chết lưu hoặc phá thai cũng có thể gặp phải nỗi sợ này. Một số chị em có tiền sử lo lắng, trầm cảm cũng có thể mắc hội chứng.
Hiện không có số liệu cụ thể về tình trạng này tại Việt Nam, tuy nhiên, xu hướng không sinh con ngày càng trở nên phổ biến. Năm 2022, Tổng cục thống kê cho biết người Việt đang ngày càng ngại sinh đẻ, nhất là TP HCM chỉ đạt 1,39 con mỗi phụ nữ, trong khi mức sinh thay thế cần thiết là 2,1 con. Tỷ lệ sinh của Việt Nam năm 2022 là 2,01 con, thấp nhất kể từ 2018.
Khi gặp tình trạng trên, tâm lý của chị em thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều người có dấu hiệu trầm cảm và rối loạn lo âu, ảnh hưởng đến giấc ngủ, chế độ ăn uống, các quan hệ gia đình và xã hội… Một vài biểu hiện khác như giảm ham muốn, trì hoãn hoặc tránh mang thai mặc dù muốn có con.
Theo bác sĩ Thành, mang thai là sứ mệnh thiêng liêng của người phụ nữ, nhưng cả bố và mẹ đều cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Trước tiên, người vợ cần giữ bình tĩnh, thẳng thắn trao đổi với chồng về những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Điều này giúp cả hai hiểu rõ vấn đề và cùng nhau tìm cách khắc phục. Cả hai có thể thay đổi không gian để thư giãn, giảm bớt căng thẳng. Lúc này, sự quan tâm và thấu hiểu của người chồng là rất quan trọng.
“Chỉ cần cả hai vợ chồng cùng lắng nghe và chia sẻ là có thể vượt qua những khó khăn này”, bác sĩ nói.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện E, cho biết hội chứng này không quá nguy hiểm, nhưng cần được điều trị tâm lý kết hợp thuốc cho ổn định trước khi quyết định mang thai. Trong quá trình mang thai, người phụ nữ cũng cần sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để tránh những cơn lo âu, sợ hãi, hoảng sợ.
Bên cạnh thuốc, người mắc có thể được trị liệu bằng liệu pháp nhận thức hành vi (CBT). Đây là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho rối loạn sợ, giúp người bệnh nhận biết và thay đổi niềm tin tiêu cực về mang thai, sinh đẻ.
Ngoài ra, trước khi có kế hoạch mang thai, nam giới cần cải thiện sức khỏe, duy trì cân nặng, bổ sung thêm các loại vitamin, bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh. Phụ nữ cần bổ sung thêm các vitamin, ăn uống đầy đủ, duy trì cân nặng, hạn chế stress, căng thẳng. Hai vợ chồng có thể đi du lịch để cải thiện tâm trạng, thư giãn cùng nhau để giải quyết vấn đề.
*Tên nhân vật được thay đổi
Thùy An
Tham khảo từ https://vnexpress.net/hoi-chung-so-mang-thai-sinh-con-4785725.html
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://phanmemhoadon.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!